Quy chế mới, yêu cầu giảm điểm cộng ưu tiên cho thí sinh 22,5 điểm trở lên, được dự đoán sẽ tạo tác động lớn, thậm chí gây ra bất công mới trong xét tuyển đại học.
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, thí sinh đạt 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển đại học không được cộng tối đa điểm ưu tiên; đạt 30 điểm sẽ không được cộng.
Quy định này không chỉ áp dụng với thí sinh xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với các phương thức khác, bằng cách quy ra thang điểm tương đương để xác định mức ưu tiên phù hợp.
Công thức tính là: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 – Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường
Với cách tính này, mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng sẽ giảm dần theo tổng điểm họ đạt được, theo biểu đồ sau:
Hiện có hai diện ưu tiên trong xét tuyển đại học: ưu tiên khu vực (cộng thêm 0,25-0,75) và ưu tiên đối tượng chính sách (1-2 điểm). Một thí sinh có thể được cộng tối đa 2,75 điểm ưu tiên.
Chuyên gia tuyển sinh của một đại học tại Hà Nội nhận định, điều chỉnh cộng điểm ưu tiên sẽ tạo ra tác động lớn với xét tuyển đại học. Trong xét tuyển đại học, chênh nhau 0,1 điểm cộng cũng đã làm tăng hoặc giảm hàng trăm em trúng tuyển.
Thay đổi này, theo ông, sẽ gây ra bức xúc cho phụ huynh và thí sinh vì nó tạo ra bất cập mới; chẳng hạn hai học sinh cùng học tập ở vùng khó khăn nhưng một em ít được ưu tiên hơn chỉ vì nỗ lực hơn hoặc có tố chất tốt hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn cho rằng, chính sách mới là phù hợp, đảm bảo công bằng cho các nhóm thí sinh điểm cao, muốn vào các trường top đầu, tránh tình trạng 29-30 điểm vẫn trượt, do phải “nhường chỗ” cho những bạn được cộng điểm. Với một số ngành có điểm chuẩn cao như Y, Dược, số lượng thí sinh trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên sẽ giảm.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Giáo dục đại học, cũng cho biết điều chỉnh này giúp tránh hiện tượng trên; tạo công bằng ở nhóm thí sinh điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành/ trường hàng đầu.
Qua phân tích các năm trước, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt từ mức trên 22,5. Từ mức này, khi chưa được cộng ưu tiên, nhóm thí sinh ở khu vực 1, 2 và 2 – nông thôn có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng (khu vực 3). Nhưng khi được cộng, điểm trung bình của nhóm này lại cao hơn hẳn. Ở nhiều ngành cạnh tranh cao, tỷ lệ trúng tuyển của những thí sinh không được cộng điểm ưu tiên rất thấp, trong khi nhóm này học tốt hơn. Như vậy, theo bà, nhóm này bị bất lợi nhiều nhất.
Số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm 75% số lượng tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao với thí sinh vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, theo bà Thủy, cũng cần đảm bảo công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác rơi vào bất lợi và yếu thế.
“Chế độ cộng điểm ưu tiên cũng tương tự các chế độ chính sách hỗ trợ khác, không thể cào bằng theo khu vực, mà còn phải căn cứ mức độ khó khăn cần hỗ trợ của từng đối tượng”, bà Thủy chia sẻ.
Ở góc độ trường phổ thông, nhiều giáo viên cho rằng quy định mới là bất hợp lý, tạo thêm bất công trong giáo dục.
Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn, THPT Bình Hưng Hòa, cho rằng, căn cứ lấy 22,5 điểm để giảm điểm ưu tiên là chưa thuyết phục.
“Ngưỡng điểm thi sẽ thay đổi theo từng năm tùy thuộc vào độ khó của đề. Ví dụ, đề thi năm 2018 rất khó, còn đề thi năm 2021 thì xuất hiện ‘mưa điểm 10’ ở nhiều môn, vậy lấy ngưỡng nào để làm chuẩn?”, thầy Hoài đặt câu hỏi.
Cũng theo thầy Hoài, quy định mới sẽ tạo thêm bất công mới giữa các thí sinh. Tình trạng thí sinh đạt 30 điểm nhưng không trúng tuyển đại học chủ yếu là do đề thi thiếu phân hóa chứ không phải do điểm ưu tiên.
“Tôi nghĩ, giao cho địa phương tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp; còn trường đại học có phương án thi tuyển riêng thì sẽ chấm dứt việc thí sinh 30, 30,5 điểm vẫn không đỗ đại học”, thầy Hoài nói.
Giáo viên một trường THPT ở huyện Cần Giờ cho rằng, quy định trên gây thiệt thòi lớn cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế.
“Điểm ưu tiên là để bù đắp cho học sinh khó khăn hoặc thiệt thòi hơn về điều kiện học tập. Nếu giảm bớt điểm ưu tiên chỉ vì các em đó đạt điểm cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các em và cả nhà trường, nền giáo dục ở khu vực đó”, thầy cho biết.
Hoàng Hạnh, học sinh lớp 11 ở Phú Thọ, bất ngờ với điều chỉnh này. Đặt mục tiêu vào ngành Y khoa, Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên với mức điểm chuẩn thường trên 26, Hạnh xác định 0,5 điểm cộng ưu tiên khu vực 2 – nông thôn có thể trở thành yếu tố quyết định em đỗ hay trượt.
Giả sử nếu đạt 26 điểm, theo quy chế mới, mức cộng ưu tiên của nữ sinh sẽ giảm từ 0,5 xuống còn khoảng 0,27. Nếu trường lấy điểm trúng tuyển 26,4 như năm 2020, em sẽ trượt. “Điều kiện học tập của em so với các bạn đạt 22,5 điểm trở xuống là như nhau, vậy tại sao em lại được cộng ít điểm hơn”, Hạnh thắc mắc.
Dù vậy, nữ sinh cũng xác định, quy chế mới đã được ban hành, nhiều thí sinh bị tác động chứ không chỉ riêng em. Điều này cũng có thể khiến điểm chuẩn của các trường giảm nhẹ tương ứng. Thời gian này, Hạnh tập trung học tập, không còn trông cậy vào ý nghĩ trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên.